he-thong-quan-ly-kenh-phan-phoi-nganh-duoc-4

Hệ Thống Quản Lý Kênh Phân Phối Ngành Dược

  

Thành viên trong kênh phân phối Dược phẩm

  

          Ở hầu hết các quốc gia, nhà sản xuất và nhà phân phối dược phẩm thường là các đơn vị độc lập nhằm tập trung hóa chuyên môn, nhưng tại Việt Nam, hệ thống phân phối ngành dược có cấu trúc khá phức tạp và sự tham gia của nhiều bên liên quan. Cụ thể, hệ thống phân phối dược phẩm Việt Nam có sự tham gia của các thành phần chính:

  1. Doanh nghiệp phân phối dược phẩm chuyên nghiệp
    • Doanh nghiệp phân phối dược phẩm nhà nước: Dược phẩm TW 1 (CPC1); Dược phẩm TW2 (Codupha), Dược phẩm Đông Á…
    • Doanh nghiệp phân phối dược phẩm tư nhân: Dược phẩm Đô Thành, Dược phẩm Đông Đô….
    • Doanh nghiệp phân phối dược phẩm nước ngoài: Diethelm Keller Siber Hegner (Thụy Sĩ), Zeullig Parma (Singapore); Megalife Science (Thái Lan)…
  2. Các công ty dược phẩm vừa sản xuất phân phối: Traphaco, Sao Thái Dương. Dược Hậu Giang, Domesco…
  3. Hệ thống chợ sỉ
  4. Hệ thống bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân
  5. Hệ thống nhà thuốc
  6. Hệ thống phòng mạch (phòng khám bệnh) tư nhân

  

           Theo số liệu được thống kê năm 2015, ba nhà phân phối sỉ dược phẩm lớn nhất tại Việt Nam là Zeullig Pharma, Diethelm Viet Nam và Mega Product đã nắm tới 40% thị phần. Ngoài ra, còn có hơn 304 nhà phân phối nước ngoài khác đang hiện diện tại Việt Nam cùng với khoảng 897 nhà phân phối trong nước chiếm thị phần còn lại.

  

           Tuy nhiên, trên thực tế, thành phần kiểm soát việc phân phối thuốc lớn nhất tại Việt Nam là hệ thống chợ sỉ tại Tp Hồ Chí Minh (chợ Tô Hiến Thành và chợ Lý Thường Kiệt) và Hà Nội (chợ Ngọc Khánh và chợ Láng Hạ). Đây là mô hình tổ chức độc đáo nhất trên thế giới và chỉ có thể tìm thấy tại Việt Nam. Ví dụ như tại chợ sỉ Tô Hiến Thành, có hơn 270 quầy thuốc của hơn 140 công ty tham gia kinh doanh theo số đăng ký chính thức. Còn nếu theo con đường không chính thức thì có hơn 300 nhà cung cấp – bao gồm các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc… có cả (Zeullig Pharma, Diethelm Viet Nam và Mega Product); cùng với hơn 800 nhà phân phối trong nước. Bình quân mỗi ngày có hơn 5000 lượt người vào giao dịch, cung cấp thuốc cho các nhà thuốc, bệnh viện, phòng mạch…

  

            Loại hình phân phối thuốc này tác động rất lớn đến ngành dược phẩm Việt Nam và chi phối cả các công ty trong nước và ngoài nước. Ví dụ trong các đợt khuyến mãi, tăng chiết khấu của các hãng dược lớn, các đầu mối tại chợ sỉ sẽ gom hết hàng để tạo tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường, sau đó tái phân phối lại vào hệ thống với giá đã được tăng lên đáng kể. Một vấn đề khá đau đầu nữa là Chợ sỉ là nơi tiêu thụ, mua bán các loại dược phẩm xách tay không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mẫu, sắp hết hạn sử dụng…

   

  

Mô hình phân phối thuốc

  

          Theo báo cáo ngành Dược phẩm của chuyên gia phân tích Hoàng Hiếu Tri, để dược phẩm đến tay người tiêu dùng, sẽ trải qua các con đường sau:

Hệ thống quản lý kênh phân phối ngành dược

  

Thuốc nhập khẩu chính ngạch (mũi tên màu xanh dương):

- Nhập khẩu -> Nhà phân phối hoặc nhập khẩu nước ngoài/nội địa ->Đấu thầu bệnh viện -> bệnh nhân

- Nhập khẩu -> Nhà phân phối hoặc nhập khẩu nước ngoài/nội địa ->Nhà thuốc/phòng mạch -> bệnh nhân

- Nhập khẩu -> Nhà phân phối hoặc nhập khẩu nước ngoài/nội địa -> Chợ sỉ -> Nhà thuốc/phòng mạch -> bệnh nhân

    

          Thuốc sản xuất tại Việt Nam (mũi tên màu xanh lá cây):

- Thuốc sản xuất -> Đầu thầu -> Bệnh viên -> Bệnh nhân

- Thuốc sản xuất -> Nhà thuốc/phòng mạch -> Bệnh nhân

- Thuốc sản xuất -> Nhà phân phối sỉ nước ngoài/nội địa -> Chợ sỉ -> Nhà thuốc/phòng mạch -> Bệnh nhân

- Thuốc sản xuất -> Chợ sỉ -> Nhà thuốc/phòng mạch -> Bệnh nhân

          Ngoài ra còn có thuốc kém chất lượng, thuốc nhái, thuốc lậu (mũi tên màu da cam): Nhóm thuốc này chủ yếu qua kênh chợ sỉ rồi phân phối cho các nhà thuốc/phòng mạch hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

  

  

Kênh phân phối thuốc

  

          Kênh bệnh viện – ETC: Đây là kênh chủ lực mà tất cả các nhà sản xuất dược phẩm cũng như nhà phân phối nhằm đến. Nguyên nhân bởi:

- Lượng tiêu thụ lớn nhất trong các kênh: Người bệnh không có quyền và không đủ kiến thức để lựa chọn, mặc cả giá thuốc. Tất cả phụ thuộc vào phác đồ điều trị, hướng dẫn của bác sĩ

- Là kênh quảng bá hiệu quả, nhanh chóng và mức độ lan tỏa nhanh nhất nếu được các bác sĩ tin tưởng kê toa.

- Đối với các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, đây là hy vọng cuối cùng của mọi bệnh nhân khi mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, không chỉ nhu cầu sử dụng thuốc đặc trị lớn mà giá thành cũng rất cao

  

          Kênh nhà thuốc – OTC: Kênh phân phối thuốc phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 55.000 nhà thuốc tư nhân do đây thường là sự lựa chọn đầu tiên của người dân khi mắc bệnh (tính thuận tiện trong mua bán; thói quen sử dụng các loại thuốc phổ thông). Mặc dù kênh này hiện chỉ chiếm hơn 30% doanh số bán lẻ nhưng chắc chắn sẽ gia tăng khi có sự chuyển dịch từ ETC sang OTC. Nhận thấy tầm quan trọng cũng như sự hấp dẫn của mô hình phân phối này, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang đầu tư mở các chuỗi nhà thuốc theo chuẩn GPP với các ưu điểm:

- Đảm bảo về chất lượng do dược phẩm của xuất xứ nguồn gốc và hóa đơn rõ ràng

- Giá cả thường thống nhất và cạnh tranh do không phải thông qua nhiều tầng nấc phân phối.

- Người bệnh được tư vấn dùng thuốc tại chính nhà thuốc do các dược sĩ phải có trình độ đạt chuẩn GPP của chuỗi nhà thuốc

- Cơ sở vật chất hiện đại, có quy định về phòng ốc chặt chẽ.

  

          Kênh phòng khám bệnh tư nhân: Hiện cả nước có khoảng hơn 35000 phòng khám tư nhân và số lượng này tiếp tục tăng mạnh qua các năm, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là mắt xích quan trọng trong việc phân phối thuốc bởi:

- Đa số người phụ trách phòng khám đều là bác sĩ tại các bệnh viện lớn.

- Nhu cầu khám bệnh tại phòng khám tư nhân đang gia tăng khi các tuyến bệnh viện lớn đều không đáp ứng được.

- Cơ sở vật chất, thiết bị khá hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt trong khi tại các bệnh viện công thì vấn đề này khá nhức nhối.

  

          Có thể nhận thấy rằng, có rất nhiều con đường để đưa dược phẩm đến được với tay người tiêu dùng (bệnh nhân), trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là ETC và OTC. Khi mà quy định về phân phối thuốc được nới lỏng hơn, cùng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp “ngoại đạo”, những đơn vị phân phối thuốc truyền thống đang đẩy mạnh kênh OTC, xây dựng hệ thống phân phối thuốc riêng nhằm tránh tụt hậu trên thị trường.

  

Để lại bình luận